Cách đây dễ đến hơn 10 năm, PeterPan đã được biết tới Quảng Châu và Thâm Quyến qua các bộ phim đình
Ải Nam Quan
Xoay sở và tính toán rất kỹ mới có 3 ngày nghỉ đợt 30/04 vừa rồi, quyết định đi Nam Ninh 1 chuyến xem cái thành phố lớn của Trung Quốc gần Hà Nội nhất nó thế nào. Xưa, Nam Ninh là thành Ung Châu – nơi Lý Thường Kiệt từng đưa đại binh tới truy quét ngày nào. Nay, Nam Ninh là thủ phủ của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây thay cho Quế Lâm đã hết vai trò lịch sử của một đô thành trung tâm về văn hóa – kinh tế – chính trị từ hơn nửa thế kỷ nay.
Một đường hầm xuyên núi trên đường đi
Nam Ninh không phải là một siêu đô thị như Thượng Hải, không phải là trái tim của Trung Quốc như Bắc Kinh, không mang dáng dấp công nghiệp như Thâm Quyến và nhìn chung không phải là một thành phố vào loại danh tiếng lẫy lừng gì ở cái đất Trung Hoa rộng lớn. Và bởi vậy nên thành phố này vẫn còn ít được người Việt Nam biết đến. Trước khi tới Nam Ninh, những ấn tượng của tôi về thành phố này là khá mờ nhạt, có chăng thì cái tên Nam Ninh chỉ gợi nhớ về một điểm cầu mà Truyền hình Kỹ thuật số VTC từng chọn cho một số chương trình đặc biệt trong đêm 30 Tết vài năm trước.
Những km đầu tiên, cảnh vật 2 bên đường còn khá giống với Việt Nam
Chính cái hành trang hiểu biết ít ỏi ấy đã khiến tôi bị choáng khi đặt chân lên nước bạn. Con đường cao tốc dẫn từ cửa khẩu Hữu Nghị Quan tới Nam Ninh đẹp một cách… quá đáng. Theo lời người Quảng Tây thì đây là tuyến đường cao tốc có chi phí xây dựng vào loại cao nhất cả nước. Mặt đường có độ mịn rất cao khiến những chiếc xe lớn nhỏ các loại đều chạy băng băng như nhau. Tài xế vô cùng nhàn tản bởi gần 200km liên tục không hề có đường ngang dân sinh và cũng chẳng có cảnh người hay súc vật băng qua đường một cách thản nhiên.
Một điểm dừng chân trên đường cao tốc
Quảng Tây chăm chút rất kỹ cho tuyến đường cao tốc này bởi nó được coi là huyết mạch trong tuyến hàng lang kinh tế Trung Quốc – ASEAN. Cơ sở hạ tầng của tuyến đường quả thật là tuyệt vời. Trên gần 200km đường, có 2 điểm dừng chân để khách đi đường có thể “trút bầu tâm sự” và nghỉ ngơi. Những tòa nhà này được xây theo kiến trúc hiện đại và rất sạch. Hai bên đường theo chiều đi là 2 tòa nhà đối xứng để những phương tiện di chuyển ngược chiều đều có thể có điểm dừng (do không có điểm quay đầu trên đường cao tốc).
Một trạm thu phí
Qua 2 điểm dừng như vậy, tôi đã tới được cửa ngõ của Nam Ninh. Còn chưa hết thú vị khi tận mắt nhìn thấy những trạm thu phí gồm toàn các nhân viên nữ thì sự khang trang của những dãy nhà thuộc khu vực ngoại ô Nam Ninh đã khiến tôi phải bấm máy ảnh không ngừng. Đường phố Nam Ninh sạch, xanh, đẹp và không có tiếng còi xe. Nam Ninh là một thành phố trẻ và mới chỉ được nhà nước Trung Quốc tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ vài năm trở lại đây nhưng đô thị này quả thực đã có những bước tiến mạnh mẽ. Tại khu trung tâm của Nam Ninh cũng như khu phố mới mang tên Lãng Đông, bạn sẽ không thể tin rằng mình đang đứng tại thủ phủ của một tỉnh miền núi xa xôi heo hút của Trung Quốc mà sẽ ngỡ rằng mình đã lạc tới Thượng Hải hay Bắc Kinh. Thậm chí, so với 2 siêu đô thị kể trên, Nam Ninh còn có phần hài hòa hơn, bớt ngột ngạt hơn và đặc biệt là nhiều cây xanh hơn.
Đường phố Nam Ninh
Có mặt tại Nam Ninh vào cuối giờ chiều, tranh thủ nhận phòng khách sạn và ăn tối, tôi bắt đầu khám phá phố ăn đêm ở ngay gần khách sạn Triết Lâm. Quả thật, đặc sản của Trung Quốc là… người, rất nhiều người. Ùn ùn khắp các ngả đường là các dòng người đổ về phố ăn đêm. Dọc con phố dài xấp xỉ 3km là cả trăm hàng ăn đêm với các món nướng và đồ nhậu rất phong phú. Tuy nhiên, tôi thấy không hợp khẩu vị lắm vì món Tàu nhìn chung đều rất nhiều dầu, nhiều mỡ.
Nam Ninh về đêm khá yên bình. Không khí trong lành, đường phố không quá đông đúc (trừ những khu vực quanh các trung tâm mua sắm) và hầu như không một tiếng còi xe nào. Nói chung, ấn tượng ban đầu của tôi về thành phố này là khá tốt, nếu không nói là vượt xa tưởng tượng trước khi lên đường.
Cách đây dễ đến hơn 10 năm, PeterPan đã được biết tới Quảng Châu và Thâm Quyến qua các bộ phim đình
Kỳ 3: Ghé thăm… bệnh viện Nga My
Nếu coi Cửu Trại Câu là chốn thiên đường hạ giới thì những ngày đầu tiên
Đăng ký email để nhận bài viết mới nhất.
Cảm ơn bạn đã đăng ký!
Có lỗi rồi, bạn kiểm tra lại nhé