Tu viện Songzanlin (tiếp)Điện thờ Tsongkhapa (Tông Khách Ba)
Buổi chiều ngày thứ hai tại Nam Ninh là khoảng thời gian dành để khám phá phố đi bộ. Buổi tối lại chìm trong biển người của trung tâm mua sắm ngầm và các siêu thị. Cũng giống như nhiều đô thị lớn khác của Trung Quốc, Nam Ninh không có khái niệm về sự phân biệt ngày và đêm. Càng tới khuya, lượng người đổ ra đường để mua sắm và lấp đầy các quán nhậu lại càng lớn. Hầu hết trong số họ là những người trẻ tuổi.
Ấn tượng về sự trẻ trung và hiện đại của Nam Ninh vốn đã xuất hiện trong tôi ngay từ khi được tận mắt thấy những đường nét kiến trúc ở đây. Nếu như Thượng Hải có Phố Đông lừng danh thì Nam Ninh cũng có khu Lãng Đông để tự hào. Đây là một khu gồm rất nhiều khối cao ốc chọc trời nằm ven hồ Nam – hồ nhân tạo rất đẹp của Nam Ninh. Các đường nét kiến trúc ở đây nhìn chung mang hơi thở hiện đại một cách rõ ràng. Tôi ngắm nhìn những tòa nhà không biết chán. Tất cả đều toát lên sự trẻ trung và linh hoạt.
Nhưng sự trẻ trung của Nam Ninh không chỉ được khắc họa qua những đường nét kiến trúc hiện đại mà còn toát lên từ nhịp sống sôi động của một đô thành có gần 7 triệu dân và là thủ phủ của một tỉnh có tới gần 50 triệu người. Như đã nói ở trên, Nam Ninh không có sự phân biệt giữa ngày và đêm. Bất kể lúc nào, các trung tâm mua sắm và giải trí cũng chật kín người. Nhịp sống trẻ trung của Nam Ninh không chỉ được thể hiện qua những người trẻ tuổi mà nó toát ra từ bất cứ ai. Từ người già tới trẻ em, từ đàn ông tới phụ nữ, tất cả đều hối hả bước đi trên những con đường. Người Trung Quốc đi bộ rất giỏi. Sải chân của họ luôn dài hơn những bước chạy của tôi. Hãy thử tưởng tượng bạn lạc giữa một biển người đang di chuyển rầm rập ở xung quanh thì sẽ hiểu cảm giác mà tôi đã trải qua.
Khi đã mua sắm chán chê, điểm dừng chân của đa số nam phụ lão ấu tại Nam Ninh là các quán ăn đêm, các quán nhậu ven đường. Các loại đồ nướng ở đây có mùi rất thơm và được chế biến cầu kỳ, tuy nhiên, tất cả đều khá khó nuốt với người Việt Nam. Tôi đã thử qua cá nướng, ớt xanh xiên nướng và một số món khác nữa nhưng không thật sự cảm thấy ngon miệng. Khi các món ăn không mang lại sự hứng thú, tôi dồn sự chú ý tới những người dân bản địa. Người Trung Quốc nói to như cãi nhau và nói liên hồi. Họ có một trò chơi kiểu như chơi xúc xắc ở Việt Nam, theo tôi hiểu thì trò chơi này là để đưa đẩy những cốc bia hoặc chén rượu trên bàn nhậu. Chính từ trò chơi này mà nhiều khi một người uống kém vẫn có thể cò cưa với những bợm nhậu thứ thiệt tới khi tàn cuộc. Về luật chơi cụ thể thì tôi mù tịt dù đã được giải thích vài lần.
Khi hai mắt tôi đã díp lại, các quán ăn đêm vẫn không có dấu hiệu vãn khách. Người ta nói với tôi rằng người Nam Ninh sống rất vô tư. Họ vẫn có thể đi làm đúng giờ, ngày làm đủ các giờ hành chính nhưng đến tối về vẫn có thể nhậu thâu đêm suốt sáng. Thậm chí, nhịp độ này có thể duy trì liên tục nhiều ngày liền. Tôi thì xin kiếu, phải về ngủ thôi vì ngày mai sẽ là chặng đường trở lại Việt Nam.
Vậy mà, về tới khách sạn Triết Lâm lại chẳng thể ngủ được ngay. Những ấn tượng về một Nam Ninh sôi động và trẻ trung khiến tôi ước giá có máy tính ở bên cạnh để ghi lại ngay những cảm xúc nóng hổi. Nam Ninh, thành phố xanh, màu xanh của thảm thực vật đa dạng và màu xanh của sự trẻ trung…
Tu viện Songzanlin (tiếp)Điện thờ Tsongkhapa (Tông Khách Ba)
Buổi tối sau khi trở về từ Hoàng Long, cả đoàn chúng tôi có một bữa ăn nguội ngắt tại khách sạn
Đăng ký email để nhận bài viết mới nhất.
Cảm ơn bạn đã đăng ký!
Có lỗi rồi, bạn kiểm tra lại nhé