Bản đồ chi tiết khu nhà Đỗ Phủ và đền Vũ Hầu.Đoàn chúng tôi chọn Youth Hostel ở số 242 đường Vũ Hầu
24 giờ ở Brunei (tiếp)
Nhà thờ Hồi giáo Jame’Asr Hassanil Bolkiah
Nếu nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddien được đánh giá là công trình tôn giáo có vị trí và cảnh quan vào loại đẹp nhất tại Brunei thì nhà thờ Hồi giáo Jame’Asr Hassanil Bolkiah lại là tòa kiến trúc tôn giáo lớn nhất của đất nước nhỏ bé này. Để thăm quan nhà thờ này, có lẽ phải dành vài giờ đồng hồ mới có thể tạm hài lòng. Tuy nhiên, PeterPan tới đây vào cuối buổi sáng, trời nắng như đổ lửa. Hơn nữa, giờ phải ra sân bay cũng không còn xa. Bởi vậy, dù rất tiếc nhưng PeterPan chỉ kịp lưu lại vài hình ảnh của Jame’Asr Hassanil Bolkiah chứ không được thảnh thơi như khi thăm thú Sultan Omar Ali Saifuddien vào chiều hôm trước.
Tọa lạc ở khu Kampong Kiarong (vì thế còn có tên là nhà thờ Hồi giáo Kiarong), nhà thờ Hồi giáo Jame’Asr Hassanil Bolkiah được xây dựng trong dịp lễ kỷ niệm bạc (tròn 25 năm trị vì) của Quốc vương Hassanal Bolkiah. Nhà thờ này nằm trên đường tới trung tâm mua sắm Gadong và cách trung tâm thủ đô Bandar Seri Begawan chừng 2,5 km.
Từ khu trung tâm, bạn có thể bắt xe buýt số 1 hoặc 22 là tới được Jame’Asr Hassanil Bolkiah. Nhóm của PeterPan đã sai lầm khi gọi taxi mà quên không ngó lại cuốn Lonely Planet. Kết quả là 4 người phải trả 40$ Brunei cho chuyến đi khứ hồi từ trung tâm thủ đô Bandar Seri Begawan tới Jame’Asr Hassanil Bolkiah. Đây là mức giá đắt và đáng ra có thể tiết kiệm hơn nếu chúng tôi tỉnh táo hơn (lúc đó mệt quá vì trời nắng gắt). Các bạn đi sau này chú ý nhé, nếu có thể di chuyển bằng xe buýt thì nên ưu tiên phương tiện này, bất quá thì mới tính tới taxi.
Chùm ảnh nhà thờ Hồi giáo Jame’Asr Hassanil Bolkiah:
Jame’Asr Hassanil Bolkiah từ từ hiện ra…
Nếu không có những chiếc xe hơi, đây sẽ là một khung hình cổ tích. Nhà thờ này là một công trình ấn tượng của Bandar Seri Begawan và đặc biệt lung linh vào buổi tối.
Kiến trúc tháp phổ biến trong những công trình tôn giáo ở Brunei.
Những ngôi sao tám cánh tạo cảm giác nhà thờ đang hút người ta lại gần nó.
Góc vườn nhỏ bên cạnh nhà thờ.
Nhà thờ Hồi giáo lớn nhất của Brunei.
Tại sao tên nhà thờ Hồi giáo này lại là Jame’Asr Hassanil Bolkiah trong khi tên của vị Quốc vương đang trị vì Brunei là Hassanal Bolkiah? Câu hỏi đó đã được đặt ra với nhiều người dân Brunei nhưng không ai biết tại sao…
Tạt qua Cung điện Istana Nurul Iman
Nói là tạt qua bởi vì đúng là… tạt qua. Như đã đề cập ở phần trước của topic, Hoàng cung Brunei (cách gọi quen thuộc hơn của Cung điện Istana Nurul Iman) không mở cửa cho dân thường vào tham quan trong hầu hết các ngày trong năm, trừ 3 ngày cuối lễ Hari Raya trong tháng 9 hàng năm.
Hoàng gia Brunei quá cẩn thận trong việc che chắn kỹ lưỡng cuộc sống của hoàng tộc khỏi sự nhòm ngó của thường dân và du khách. Trên sông Brunei, một hàng cây xanh mướt được dùng làm lá chắn tự nhiên khiến mọi ý định ngắm Hoàng cung trong chuyến đi thăm làng nổi Kampong Ayer đều phá sản hoàn toàn. Trên cạn, cánh cổng sắt cùng 2 bạn cảnh sát khiến các du khách bị chặn lại khi còn cách Hoàng cung cả trăm mét. Phía trong khoảng sân rộng sau cánh cổng sắt cao vút là… một hàng cây nữa và vài bạn lính gác nữa trong trang phục truyền thống của Brunei.
Hãy nghe Lonely Planet nói về Hoàng cung Brunei: “Cách tốt nhất để biết được chính xác độ hoành tráng của một công trình kiến trúc là đếm cho hết số phòng tắm ở đó. Theo tiêu chí này, Hoàng cung Brunei chính là cung điện để ở lớn nhất thế giới bởi nó có tới 257 phòng tắm lớn nhỏ các loại“. Và công trình nguy nga tráng lệ được xây dựng để làm nơi ở của Quốc vương Hassanal Bolkiah đã tiêu tốn tới 350 triệu USD với 1788 phòng các loại (gấp 4 lần cung điện Versailles của Pháp và gấp 3 lần cung điện Buckingham của Anh).
Bởi thế, Hoàng cung Brunei xứng đáng là một điểm tham quan phải có trong lịch trình của bạn, miễn là bạn đến… đúng thời điểm đã được nêu ở trên . Nếu bạn tới vào những ngày còn lại trong năm (giống như PeterPan và các bạn cùng đi), tốt nhất là cũng không cần ghé qua để chụp vài cái ảnh cho thỏa sự hiếu kỳ làm gì (vì thật ra sẽ chỉ chụp được cái cổng sắt, vài chú lính gác và cùng lắm là cái biển có dòng chữ “Istana Nurul Iman”). PeterPan đã làm “chuột bạch” rồi và các bạn đi sau này không cần phải làm như thế nữa
.
Có những cách tốt hơn để có thể ngắm nhìn kiến trúc bên ngoài của Hoàng cung Brunei. Đầu tiên, trong chuyến dạo chơi làng nổi Kampong Ayer, bạn có thể thỏa thuận với bạn tài xế taxi nước để tới Pulau Ranggu vào cuối buổi chiều. Đây là thời điểm được đánh giá là đẹp nhất trong ngày vì bạn vừa có thể ngắm hoàng hôn vừa có thể làm quen với những chú khỉ vòi (proboscis monkey) – một sinh vật đặc trưng của Brunei – lại vừa có thể ngắm Hoàng cung lung linh khi đêm xuống. Một cách khác để ngắm nhìn Hoàng cung Brunei là tận dụng view từ công viên Taman Persiaran Damuan.
Do đã thấy đủ với 24 giờ khám phá Brunei, PeterPan và các bạn cùng đi không thử 2 cách kể trên nữa, để dành cho các bạn đi sau vậy .
May có cái ảnh này để chứng thực là đã… tạt qua Hoàng cung Brunei.
Sau cánh cổng sắt này, phải đi khá xa nữa mới vào tới gần Hoàng cung.
Xa xa phía sau cánh cổng sắt là những bốt canh với những chú lính trong trang phục truyền thống của Brunei.
Toàn cảnh Hoàng cung Brunei, dòng nước phía sau là sông Brunei. Ảnh chụp từ máy bay.
10 điều nên biết khi tới Brunei
1. Brunei là quốc gia đạo Hồi vào loại khắt khe nhất ở khu vực Đông Nam Á, bạn hãy chú ý cách ăn mặc cho đúng mực, đặc biệt là khi vào tham quan các nhà thờ Hồi giáo.
2. Ngay khi ra khỏi sân bay quốc tế Brunei, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy một quầy Tourist Information. Hãy dành vài phút ghé qua đó để trao đổi với nhân viên trực quầy để có thêm thông tin cần thiết. Chính nhờ trao đổi với nhân viên trực quầy mà PeterPan chỉ mất chưa tới 5 phút là đã bắt được xe buýt về trung tâm thủ đô Bandar Seri Begawan.
3. Đồng $ Brunei có giá trị tương đương với đồng $ Sing và 2 loại tiền này có thể sử dụng thay thế cho nhau tại Brunei (tại Singapore thì không).
4. Người Brunei nói tiếng Anh rất tốt và vì thế giao tiếp không phải là một trở ngại đối với du khách nước ngoài.
5. Đừng nghĩ tới taxi nếu bạn không có một hầu bao rủng rỉnh. Xe buýt ở Brunei khá sẵn, có thể bắt xe ở bất cứ điểm nào miễn là nơi đó có tuyến xe buýt chạy qua (không cần phải chờ ở bến).
6. Các nhà thờ Hồi giáo tại Brunei không cho du khách vào tham quan trong giờ cầu nguyện. Các khung thời gian dành cho du khách là 08h00 – 11h00, 13h30 – 15h00 và 16h00 tới 17h30.
7. Buôn bán bia rượu và các đồ uống có cồn khác bị cấm tuyệt đối ở Brunei. Ngay cả hành vi uống rượu ở nơi công cộng cũng bị cấm. Chẳng thế mà đội tuyển bóng đá Brunei đã từ chối tham gia giải vô địch Đông Nam Á trong nhiều kỳ liên tiếp chỉ vì giải đấu này có nhà tài trợ chính là hãng… bia Tiger (giờ đây Suzuki đã thay Tiger nhưng đội tuyển Brunei lại bị FIFA… cấm thi đấu).
8. Đừng nhìn chằm chằm vào các phụ nữ đội khăn choàng kín mít hay thậm chí là có những hành vi khiếm nhã, bạn sẽ phải trả những cái giá rất đắt. Nếu bị bắt vì những hành vi có tính chất quấy rối, người phạm tội có thể bị bỏ tù 10 năm và nộp phạt tới 30.000 $ Brunei.
9. Địa chỉ Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei:
10. Hãy nhớ để dành ra 12$ Brunei để đóng thuế sân bay khi rời khỏi đất nước này.
10 điều kể trên chỉ là những đúc kết của cá nhân PeterPan sau 24 giờ ghé qua Brunei. Con số 10 chỉ mang tính chất tương đối. Với mỗi người, những điều nên biết có thể nhiều hơn hoặc thậm chí ít hơn. Để có thêm nhiều thông tin cho kế hoạch chuẩn bị trước chuyến đi tới Brunei trong tương lai, bạn có thể tham khảo thêm link này.
Bản đồ chi tiết khu nhà Đỗ Phủ và đền Vũ Hầu.Đoàn chúng tôi chọn Youth Hostel ở số 242 đường Vũ Hầu
Buổi tối thứ hai tại Cửu Trại Câu, cả đoàn chúng tôi được Lưu sư phụ đưa tới một quán ăn của
Đăng ký email để nhận bài viết mới nhất.
Cảm ơn bạn đã đăng ký!
Có lỗi rồi, bạn kiểm tra lại nhé