Trước khi tới Cửu Trại Câu, cả đoàn chúng tôi không hề nghĩ tới chuyện sẽ được thấy tuyết. Thậm chí, ngay
Selamat petang, Malaysia!
Nói về Malaysia, có cuốn sách đã đúc kết như sau: “Đó là vùng đất có thể có những trận mưa khiến nước ngập đường phố chỉ trong 1 giờ và mọi thứ lại có thể trở nên khô ráo chỉ ngay trong 1 giờ đồng hồ tiếp theo. Đó là đất nước có những loại cây kỳ lạ có thể nuốt gọn những chú chuột tội nghiệp, có những loài cá biết…. đi, những chiếc lá có thể…. nhảy và những bông hoa còn to hơn cả một trái bóng hoặc thậm chí hơn thế nữa (miễn là bạn có thể tìm ra chúng).”
Tất nhiên, câu nói đó chỉ là một lát cắt đặc tả phần nào về Malaysia – một đất nước không chỉ đa dạng về tự nhiên mà còn là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, nhiều tôn giáo, nhiều ngôn ngữ và nhiều số phận con người… Một đất nước chính thức có tên đầy đủ trên bản đồ thế giới hiện đại chỉ từ năm 1963 nhưng lại là nơi có những cánh rừng nguyên sinh tới 130 triệu năm tuổi, có thương cảng đánh dấu sự giao thương giữa 2 lục địa Âu – Á và có đội tuyển bóng đá đã nẫng mất tấm huy chương vàng môn bóng đá nam SEA Games 25 ngay trên tay của thầy trò HLV Henrique Calisto.
Một đất nước như thế quả là một điểm khởi đầu lý thú trong hành trình của PeterPan.
Tấm vé giá rẻ khứ hồi Hà Nội – Kuala Lumpur được đặt xong hồi tháng 03/2010 nhưng sự háo hức khám phá Malaysia đã nhen nhóm trong PeterPan từ rất lâu. Cuối thập niên 90 của thế kỷ trước (nghe xa xôi dữ), sau một chuyến đi của một người thân trong gia đình, PeterPan được biết đến Malaysia qua hình ảnh tòa tháp đôi sừng sững, một sân bay quốc tế nghe nói một trời một vực so với Nội Bài quê mình hay những người phụ nữ bít bùng kín mít mỗi khi ra đường (dù ở đó không có con đường bụi bặm nào mang tên Nguyễn Trãi, Giải Phóng hay 32 như Hà Nội).
Thế mà cũng phải mất tới hơn 10 năm mới có cơ hội được kiểm chứng những gì nghe được và đọc được về Malaysia nhờ đợt Big Sale của Air Asia. Ấn tượng đầu tiên với Air Asia khá tốt: bay đúng giờ, tiếp viên nhiệt tình, máy bay sạch sẽ, có lẽ cũng chỉ cần đến thế với một hãng hàng không giá rẻ. Những bỡ ngỡ trong lần đầu đáp một chuyến bay quốc tế nhanh chóng qua đi để nhường chỗ cho cơn buồn ngủ ập đến chớp nhoáng ngay khi máy bay ổn định độ cao. Thế rồi, chẳng mấy chốc đã thấy Kuala Lumpur dưới cánh bay.
Selamat petang, Malaysia! Chào Malaysia!
Ga hàng không giá rẻ (Low Cost Carrier Terminal – LCCT) – nơi PeterPan trở đi trở lại nhiều lần trong suốt hành trình.
Skybus tuyến KL Sentral LCCT
Có 2 cách mua vé để đi từ LCCT về bến KL Sentral (bến trung tâm của Kuala Lumpur và là đầu mối của nhiều loại phương tiện di chuyển khác nhau).
Cách 1: Mua vé trực tiếp tại LCCT, giá vé 9 RM/người.
Cách 2: Đặt trước ngay khi đặt vé tới LCCT, khoảng hơn 6 RM/người. Bạn chỉ cần đưa cho nhân viên của Air Asia tờ booking, họ sẽ kiểm tra nội dung booking có phần đặt vé Skybus hay chưa rồi đưa cho bạn 1 loại vé dành riêng cho những người đặt qua mạng trước.
Xe chạy thẳng 1 lèo từ LCCT về KL Sentral hoặc theo chiều ngược lại trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Đường đẹp, cảnh vật 2 bên đường cũng nhẹ nhàng, quay đi quay lại đã thấy tháp đôi Petronas thấp thoáng ở cuối chân trời.
Xe Skybus tuyến KL Sentral – LCCT.
Bên trong xe Skybus.
Sau gần 1 giờ xe chạy, tháp đôi Petronas và tháp Kuala Lumpur đã xuất hiện ở phía cuối đường chân trời.
Đích đến là bến KL Sentral.
KL Sentral và hệ thống giao thông của Kuala Lumpur
Một góc bến KL Sentral.
KL Sentral là bến trung tâm của thành phố Kuala Lumpur. Muốn đi tới đâu thì xuất phát từ đây đều tiện vì có rất nhiều lựa chọn. Ngoài bus và taxi đã quen thuộc rồi, bạn có thể sử dụng các loại phương tiện di chuyển khác như monorail, tàu cao tốc hay tàu điện nội đô. Bạn chỉ cần chú ý ga xuất phát và ga bạn muốn đến, từ đó căn theo các line có màu khác nhau để đi cho đúng.
Chú ý: bản đồ bố trí các line không tuân theo khoảng cách thực tế về địa lý, tức là bạn không thể dùng bản đồ này để ứng với các địa điểm trên bản đồ thông thường.
Ví dụ:
– Từ bến KL Sentral, bạn muốn về Chinatown thì sẽ phải đi tàu theo line màu xanh lá cây về bến Pasar Seni, sau đó đi bộ 1 quãng ngắn là tới nơi. Line này có tên Kelana Jaya.
– Từ bến KL Sentral, muốn đi Putrajaya, bạn sẽ đi theo line màu đen có tên KLIA Ekspres/Transit. Đây là line có tàu cao tốc nên thời gian di chuyển được rút ngắn.
– Từ bến KL Sentral, muốn ra bến Bukit Jalil để mua vé đi Malacca, bạn sẽ phải đi theo line màu xanh lá cây Kelana Jaya để tới ga trung chuyển Masjid Jamek, sau đó đổi qua line màu vàng Ampang/Sri Petaling (dân bản địa hay gọi line này là Star) để chạy tới ga trung chuyển Chan Sow Lin rồi đổi hướng đi tàu tới Sri Petaling. Một cách khác là cũng đi line màu đen KLIA Ekspres/Transit tới ga trung chuyển Bandar Tasik Selatan để chuyển qua line màu vàng Ampang/Sri Petaling. Cách thứ ba là sử dụng line màu xanh nước biển KTM Seremban/Rawang, cụ thể như thế nào thì bạn thử căn theo bản đồ ở trên để làm quen nhé.
PeterPan cũng gặp chút bỡ ngỡ khi làm quen với hệ thống giao thông công cộng này và có thể nhiều bạn khác cũng vậy. Nhưng bạn đừng quá lo lắng, nhỡ có đi nhầm hoặc quá vài ga cũng không sao đâu, bạn cứ bình tĩnh nhìn lại bản đồ hoặc hỏi thêm người đi đường thì chắc chắn sẽ tới được đích cần đến.
Khách sạn Alamanda
Trước khi sang Kuala Lumpur, PeterPan đã đặt khách sạn Alamanda thông qua trang agoda.vn. Với hầu bao vừa phải, PeterPan chọn Alamanda vì đó là khách sạn duy nhất ở mức hơn 400k tiền Việt một phòng đôi mà không phải sử dụng phòng tắm chung (tất nhiên, chỉ xét trong số những khách sạn được agoda.vn liệt kê).
Lúc đặt cũng hơi lo vì xem qua ảnh trên agoda.vn thì thấy khách sạn hơi cũ. Tuy nhiên, khi tới nơi thì yên tâm hơn. Có lẽ Alamanda vừa có một cuộc chỉnh trang nhan sắc nên nhìn thật thấy mới mẻ, sạch sẽ và tạo cảm giác yên tâm. Đây là khách sạn của người Ấn nằm trên phố Petaling ở khu Chinatown. Trong 4 ngày lưu lại đây, PeterPan có 2 ngày ở tầng 6, 2 ngày ở tầng 4, và chất lượng phòng của tầng 6 tốt hơn nhiều so với tầng 4 (một số phòng bị hỏng đường ống nước). Các bạn đi sau này lưu ý thông tin này nhé.
Khách sạn Alamanda có vị trí khá hay, phía sau là một khoảng sân rộng, sáng sáng có một cụ ông ngồi bẻ bánh mỳ cho một đàn chim bồ câu và vài chú quạ nữa. Từ Alamanda cũng có thể nhìn thấy đền Sri Mahamariamman – một điểm must-see theo gợi ý của Lonely Planet. Từ Alamanda, đi bộ tới ngôi đền này chỉ chưa đầy 5 phút.
Một số thông tin về khách sạn Alamanda để các bạn tham khảo:
Địa chỉ: Số 85, phố Petaling, Chinatown.
Website: www.alamandahotels.com
Mail: rooms@alamandahotels.com
Khách sạn Alamanda, đây là mặt quay ra khoảng sân rộng phía sau.
Toàn cảnh khách sạn Alamanda.
Phòng nào cũng có mũi tên chỉ về hướng Tây – hướng tới thánh địa Mecca – để những người theo đạo Hồi nhìn về phía đó mỗi khi cầu nguyện.
Lang thang đêm Kuala Lumpur
Phố Petaling, xương sống của khu Chinatown.
Nhận phòng ở Alamanda xong thì cũng đến giờ ăn tối, PeterPan tranh thủ lượn ra phố Petaling để lót dạ rồi vác máy ảnh lang thang đêm Kuala Lumpur. Từ Chinatown ra KLCC (Kuala Lumpur City Centre) khoảng 2 km theo đường chim bay, PeterPan cứ nhẩn nha nhắm theo hướng của Kuala Lumpur Tower và Petronas Twin Tower mà đi.
Đó là một buổi tối mát mẻ và dễ chịu. Đoạn đường thú vị nhất là khi đi dọc phố Raja Chulan, hai làn xe chạy ào ào nhưng không có cảm giác căng thẳng và bụi bặm. Bất ngờ thú vị đầu tiên là khi sang đường, một chiếc xe từ xa trờ tới rồi từ từ giảm tốc độ, hai người trong xe đồng loạt vẫy tay mời PeterPan đi qua. Trời ơi, người Kuala Lumpur dễ thương vậy sao?
Lướt qua tháp Kuala Lumpur, xa xa là tháp đôi Petronas.
Quán cafe Việt Nam ngay gần chân tháp đôi Petronas.
Cứ lang thang như thế rồi cũng tới tháp đôi Petronas…
Trước khi tới Cửu Trại Câu, cả đoàn chúng tôi không hề nghĩ tới chuyện sẽ được thấy tuyết. Thậm chí, ngay
Hồ Lashi (tiếp)Chiếc thuyền của chúng tôi từ từ rẽ nước thoát khỏi bãi bồi ven hồ rồi dần dần tiến ra
Đăng ký email để nhận bài viết mới nhất.
Cảm ơn bạn đã đăng ký!
Có lỗi rồi, bạn kiểm tra lại nhé