Brooklyn là bộ phim kể về cô gái người Ireland, Ellis Lacey và hành trình rời bỏ quê nhà Enniscorthy để tới sống tại
Giải cứu các đại gia
Đại gia ở đây không ai khác chính là mấy người chúng tôi. Phát hiện được một cửa hàng sale off tưng bừng trong khu phố đi bộ, mấy anh chị em kéo nhau vào với quyết tâm không mang đồng tệ nào về Việt Nam. Nhưng các anh chị quả thật không phải là đối thủ của cô em út chuppachupftu. Một cách quyết đoán và dứt khoát, em ý xòe ra những đồng 100Y khiến các em nhân viên cửa hàng xanh mặt. Chứ sao nữa, ai mà ngờ mấy đứa trông bụi bặm mà dám chi tiền bạo tay đến thế, đặc biệt là cô bé tóc ngắn. Các đại gia rời cửa hàng với nào túi, nào valy, nào quần, nào áo, nào giầy…
Đại gia thì đã rõ, vậy còn giải cứu thì sao? Ai mà dám cả gan đe dọa các đại gia như chúng tôi để đến mức phải có cả một cuộc giải cứu? Xin thưa, kẻ liều lĩnh bắt cóc chúng tôi một cách chớp nhoáng lại chính là một chiếc… thang máy trong suốt ở một trung tâm mua sắm. Số là, sau màn vung tiền tưng bừng, mấy anh chị em dù tay xách nách mang nhưng vẫn mò vào trung tâm mua sắm ở gần đó để ngắm cho bõ mắt vì vẫn còn khá nhiều thời gian trước khi tới giờ hẹn với nhóm 3 người đi Vườn hoa Quốc tế Côn Minh.
Trung tâm mua sắm có khoảng 5-6 tầng gì đó, nằm gọn trong những tầng đầu tiên của một khu cao ốc. Lúc lên, chúng tôi đi bằng thang máy dạng băng chuyền. Lúc xuống, mấy anh chị em rủ nhau đi bằng chiếc thang máy trong suốt (kiểu giống trong Tràng Tiền Plaza). Ai cũng háo hức bước vào thang máy vì sẽ được ngắm toàn bộ trung tâm mua sắm từ trên cao qua lớp kính trong suốt của thang máy.
Nhưng rất nhanh, sự hào hứng ấy bị chặn đứng một cách phũ phàng. Chiếc thang máy chạy êm ru tới đoạn giữa tầng 3 và tầng 2 thì khựng lại rồi lịm hẳn. Trong lúc PeterPan cố nhớ xem mình bước vào chiếc thang máy này bằng chân trái hay chân phải mà lại gặp xui thế này, thì mấy bạn đồng hương bắt đầu xì xào bàn tán về sự cố. Những người Trung Quốc đi cùng chúng tôi cũng bắt đầu xì xồ và mỗi lúc một tỏ ra thiếu bình tĩnh.
Mới đầu, việc đột nhiên được dừng lại giữa không trung để ngắm nhìn khu trung tâm mua sắm nhộn nhịp và đầy màu sắc khiến tất cả chưa cảm thấy lo lắng cho lắm. Thậm chí, mấy anh chị em còn vui vẻ cười đùa vì nghĩ rằng chắc cái thang máy nghỉ lại chút cho đỡ mệt rồi lại đi tiếp ngay thôi. Nhưng thực tế lại không phải như vậy, cái thang máy chết tiệt cứ ì ra như muốn đình công (mà sao lại chọn đúng lúc các đại gia Việt Nam vào để đình công chứ?).
Một lúc sau, khi không khí bắt đầu trở nên ngột ngạt vì lượng oxy ít dần (hơn chục con người thi nhau thở ra hít vào trong một cái hộp gần như kín mít mà), mọi người (cả ta, cả Tàu) mới bắt đầu thấy phải tự lo cho mình. Chúng tôi và những người khác bắt đầu đập vào cửa kính để ra hiệu cho những người đang đi lại ở phía dưới biết được sự cố. Trước đó, vài người thấy chiếc thang máy đột nhiên khựng lại nên đã tò mò đứng lại nhìn, thấy chúng tôi bắt đầu đập vào cửa kính, họ ngay lập tức chạy đi báo cho những người có trách nhiệm.
Cũng phải vài phút sau, những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc giải cứu mới xuất hiện. Một bạn nhân viên bảo vệ của trung tâm mua sắm lon ton chạy tới làm những cử chỉ động viên chúng tôi nhưng đấy cũng là tất cả những gì bạn ấy có thể làm ngay lúc đó. Lại vài phút sau, mấy bạn có vẻ là nhân viên kỹ thuật mới hớt hải phi tới. Các bạn hội ý rất nhanh sau một hồi lạch cạch tác động vào các loại nút bấm ở phía ngoài thang máy rồi quyết định giải cứu chúng tôi bằng cách thủ công nhất có thể: cạy hai tấm cửa sắt của thang máy để kéo từng người lên sàn của tầng 3.
Mất độ hơn 1 phút để các bạn ấy tách thành công 2 tấm cửa sắt, lại thêm chừng chưa tới 3 phút nữa để kéo từng “tù nhân bất đắc dĩ” ra khỏi chiếc hộp kính. Chúng tôi nhường cho các bạn Tàu ra trước vì trong số họ có cả phụ nữ và trẻ em. Họ rút khỏi “hiện trường” khá nhanh mà không cằn nhằn gì với mấy bạn nhân viên kỹ thuật, có lẽ ra được ngoài với họ là tốt rồi.
Chúng tôi thì có muốn sạc các bạn nhân viên kỹ thuật cho bõ ghét thì cũng không biết vì có ai nói tiếng Trung đạt đến trình độ cãi nhau được đâu :-D. Mấy anh chị em chỉ biết nhìn nhau rồi cười rũ rượi vì một tình huống hài hước ngoài dự kiến.
Vâng, trung tâm mua sắm đó có tên là BRILLIANT Plaza.
Toàn bộ ảnh về cuộc giải cứu được chụp bởi huyle:
Bún Qua Cầu (bún Quá Kiều)
Sự tích bún Qua Cầu
Truyện kể lại rằng, huyện Mông Tự – tỉnh Vân Nam có một thư sinh rất tuấn tú và thông minh nhưng thích đi du ngoạn và không nguyện bỏ công sức ra để học hành. Anh ta có một người vợ rất xinh và một cậu con trai còn thơ dại. Tình cảm giữa vợ chồng họ rất sâu đậm. Nhưng người vợ thấy anh chồng thích du ngoạn, ghét học hành nên suy nghĩ rất nhiều. Một ngày, người vợ nói với chồng: “Anh cả ngày chỉ biết chơi, không biết vươn lên, không biết nghĩ đến sự thua kém của vợ con?” Nghe vợ nói, người chồng cảm thấy hổ thẹn, bèn làm một phòng đọc sách ở Nam hồ, một mình khổ công luyện sách, người vợ chia sẻ giúp đỡ với chồng, hàng ngày đưa cơm đến phòng đọc sách cho chồng. Lâu ngày, việc học hành của người chồng càng tiến bộ nhưng anh lại ngày càng ốm yếu. Người vợ thấy vậy rất đau lòng, nghĩ cách bồi bổ cho chồng.
Một ngày, chị mổ gà làm canh, thái thịt, chuẩn bị bún, chuẩn bị đưa bữa sáng cho chồng. Đứa con thơ dại nghịch cho thịt vào bát canh, người vợ trách đứa con nghịch dại, lập tức vớt miếng thịt lên, nhìn thấy miếng thịt chín, sau khi thử thấy mùi vị rất thơm ngon, rất thích. Chị liền cho ấm nước vào làn đem đến phòng đọc sách cho chồng. Vì vất vả quá độ nên người vợ bị ngất trên chiếc cầu ở Nam hồ. Người chồng nghe thấy liền chạy đến, khi gặp thì vợ đã tỉnh lại, mì và canh đều còn nguyên như mới, trên mặt bát canh sóng một lớp mỡ phủ bát canh, không còn ít hơi nóng , nước canh bị nguội, tay che ấm nước đun, hơi nước làm bỏng tay, cảm thấy rất lạ, rồi hỏi kỹ càng cách làm từ lúc bắt đầu đến kết thúc, người vợ kể lại rõ ràng từng việc. Sau đó rất lâu, người chồng nói rõ, món ăn này gọi là bún qua cầu. Người chồng nhờ sự chuyên tâm chăm sóc của người vợ nên đã đỗ được cử nhân, việc này được quần chúng truyền miệng thành một giai thoại. Từ đó, bún qua cầu được truyền đi thành món ăn nổi tiếng của Vân Nam.
Nguồn: Website Cục Du lịch châu Hồng Hà phiên bản tiếng Việt – http://www.hh.cn/vn/
Tháng 07/2009, PeterPan đã được thưởng thức món bún Qua Cầu (Quá Kiều, Guo Qiao) khi xem buổi biểu diễn nổi tiếng Yến Vũ tại Côn Minh. Khi ấy, phải trả tới 220Y để vừa xem show diễn được coi là thương hiệu của thành phố Côn Minh vừa nếm bún Qua Cầu và một số món phụ khác. Cái giá đó khá chát và là kiểu thưởng thức xa xỉ (may mà PeterPan được bao trọn gói).
Lần này, khi trở lại thành phố mùa xuân vào đầu tháng 05/2010, PeterPan quyết phải thử lại món bún Qua Cầu theo phong cách… bình dân hơn. Thật may là ngay khi dạo xong một vòng khu phố đi bộ rồi vòng lại khu cổng chào Kim Mã – Bích Kê thì thấy ngay một quán bún Qua Cầu ở trước mặt. Chẳng cần cân nhắc lâu, cứ thế bước một mạch vào quán.
Món bún Qua Cầu ở quán này có rất nhiều loại khác nhau, càng nhiều tiền thì lại càng nhiều loại ăn kèm và cầu kỳ hơn. Chúng tôi, những người đi du lịch bụi, chẳng cần phải hội ý lâu cũng chọn ngay loại ít tiền nhất, đâu chừng 14-15Y gì đó, PeterPan nhất thời không nhớ rõ cho lắm. Mỗi người đưa tiền xong sẽ nhận được một tấm phiếu nhỏ để vào phía trong đưa cho đầu bếp chế biến theo nội dung trên phiếu.
Mới đầu, người ta bưng ra một bát nước dùng to đùng, bốc khói nghi ngút, mùi thơm quyến rũ và béo ngậy (hic, viết tới đây đúng lúc bụng đang đói meo). Sau đó, bún, thịt và các loại thức ăn kèm theo được đưa ra. Tôi ngỏ ý với chị gái nhân viên ở đó rằng muốn nhờ chị thị phạm cho cách ăn món bún Qua Cầu. Tất nhiên, chị vui vẻ làm ngay và các bạn của tôi cũng cứ theo thế mà tự làm với bát bún của mình.
Chẳng biết các bạn khác thế nào chứ PeterPan rất tâm đắc với món ăn này, kể cả là ăn kiểu xa xỉ kể trên hay ăn kiểu bình dân như vừa đề cập. Tả về một món ăn thì thật khó mà nói sao cho rõ hết được. Chi bằng, nếu có dịp ghé qua Côn Minh, bạn hãy tự thử món bún Qua Cầu và tự cảm nhận nhé. PeterPan tin rằng bạn sẽ chia sẻ với PeterPan sự tâm đắc với món ăn đặc sản của Côn Minh nói riêng và Vân Nam nói chung.
Nhà biểu diễn chương trình Yến Vũ (ảnh chụp tháng 07/2009).
Một bộ đầy đủ các món ăn kèm cùng bún Qua Cầu (ảnh chụp tháng 07/2009).
Căn phòng lớn để khách vừa thưởng thức bún Qua Cầu vừa xem chương trình biểu diễn đặc sắc (ảnh chụp tháng 07/2009).
Một tiết mục biểu diễn trong chương trình (ảnh chụp tháng 07/2009).
Quán bún Qua Cầu mà chúng tôi ghé vào. Biển hiệu màu cam đề “Beef Stew Rice Noodle” và “Guo Qiao Rice Noodle” (ảnh chụp tháng 07/2009).
Toàn bộ những gì làm nên một bát bún Qua Cầu. Ảnh: hh.cn
Chỉ ăn riêng một bát bún này thôi là PeterPan đã đủ no tới tận sáng hôm sau.
Thêm vài ảnh lượm lặt ở Côn Minh:
Xe cảnh sát ngộ nghĩnh như trong truyện tranh hay phim hoạt hình.
Giàn hoa giấy (?) tím rực một góc công viên Kim Bích (Jinbi) ở gần phố đi bộ.
“Hot girl” kiểu Côn Minh.
Một tòa nhà có kiến trúc độc đáo.
Mảng tối của Côn Minh. Hình ảnh này còn đỡ nhếch nhác hơn một số hình ảnh mà PeterPan không tiện đưa lên đây. Ảnh: huyle.
Các đại gia đi dạo các trung tâm mua sắm (chiếc vali kéo kia được mua thêm để bỏ đồ mới mua vào). Ảnh: huyle.
Đi mãi cũng mỏi chân, các đại gia ngồi nghỉ lại ở công viên Kim Bích.
Brooklyn là bộ phim kể về cô gái người Ireland, Ellis Lacey và hành trình rời bỏ quê nhà Enniscorthy để tới sống tại
PeterPan và các bạn vừa trở về sau 2 tuần rong ruổi trên các nẻo đường ở phía Tây Bắc của tỉnh
Đăng ký email để nhận bài viết mới nhất.
Cảm ơn bạn đã đăng ký!
Có lỗi rồi, bạn kiểm tra lại nhé