WB đại hiệp hóa ra là người lọ mọ nhất trong đoàn. Bỏ mặc các chiến hữu đi đường chính, anh len
Kỳ 2: Shangri-La: Tuyết trắng nơi “Đường chân trời đã mất”
Nếu Lệ Giang là “Venice của Châu Á” thì Shangri-La lại được cả thế giới biết đến như một miền đất được khai sinh từ… những trang tiểu thuyết. Đó là miền đất mà không ít người trên khắp hành tinh vẫn ước mơ được một lần đặt chân tới để đắm mìnnh trong tuyết trắng nơi “Đường chân trời đã mất”.
Khai sinh từ trang viết
Năm 1933, nhà văn người Anh James Hilton đã cho ra mắt một cuốn sách kể về hành trình kỳ lạ của một phi công có tên Hugh Conway. Nhân vật này đã vô tình bị lạc tới một vùng đất xa xôi và huyền bí, được có những trải nghiệm lý thú và khó tin, được sống một cuộc sống mà ranh giới thời gian và không gian bị xóa nhòa… Đó là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất thời bấy giờ, có tên “Đường chân trời đã mất” (nguyên văn: Lost Horizon).
Trong tác phẩm của mình, nhà văn Hilton gọi vùng đất huyền bí mà Conway đã tới là Shangri-La. Đó là một cái tên khó hiểu và không có nghĩa trong tiếng Anh. Người ta có rất nhiều giả thuyết khác nhau để lý giải cho tên gọi này nhưng không ai dám chắc giả thuyết nào là đúng nhất. Nhiều năm sau khi tác phẩm của Hilton gây nên tiếng vang, việc Shangri-La có thật hay không và nếu có thật thì nó nằm ở đâu vẫn là một đề tài của những cuộc tranh cãi.
Thế rồi, người Trung Quốc đã nhanh tay hơn tất cả khi đổi tên địa danh Trung Điện tại tỉnh Vân Nam thành Shangri-La bởi họ cho rằng chẳng nơi nào khác trên thế giới có thể phù hợp hơn với những mô tả trong tiểu thuyết “Đường chân trời đã mất”. Kể từ khi chính thức mang tên Shangri-La vào năm 2001, vùng đất này đã được cả thế giới biết đến. Đó là một sự khai sinh đặc biệt từ những trang viết.
Huyền bí và cuốn hút
Chỉ cách Lệ Giang chưa đầy 200 km nhưng Shangri-La một thế giới khác hẳn. Ở đó không có người Nạp Tây, không có nền văn hóa Đông Ba và cũng chẳng có những dòng nước trong vắt chảy qua những cây cầu đá tuyệt đẹp. Shangri-La và vùng đất của người Tạng và mọi thứ ở nơi này đều mang đậm dấu ấn của tộc người sùng đạo bậc nhất thế giới này.
Trong một buổi sáng đẹp trời cuối xuân đầu hạ, chúng tôi đã được ghé thăm tu viện Songzalin – trung tâm phật giáo và tín ngưỡng vào loại lớn nhất tại Shangri-La. Tất cả những gì chúng tôi được nhìn thấy đều khác biệt hoàn toàn với những hình dung trước đây. Đó là một nền văn hóa khác hẳn với phần còn lại của đất nước Trung Quốc rộng lớn.
Tu viện Songzalin nằm ở chân của một quả đồi lớn và là một tập hợp của những khối nhà được xây theo kiểu kiến trúc Tạng đặc trưng: nhà xây theo kiểu hình thang cân với các màu chủ đạo là trắng, đỏ và đen. Từng ngóc ngách của tu viện đều toát lên sự huyền bí nhưng lại vô cùng cuốn hút. Chúng tôi đã chờ hàng giờ đồng hồ để có thể xem một buổi tụng kinh buổi sáng của các vị sư người Tạng. Họ đọc kinh rất nhanh, liền mạch và tạo nên một thứ âm thanh có đủ sức lay động đối với những tâm hồn nhạy cảm.
Chúng tôi không được chụp ảnh buổi lễ tụng kinh nhưng những hình ảnh của nó vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí nhiều ngày sau khi trở về.
Tuyết trắng nơi “Đường chân trời đã mất”
Sau khi đắm chìm trong không gian đặc quánh đức tin và tín ngưỡng tại tu viện Songzalin, chúng tôi cùng nhau tìm đến núi tuyết Thạch Ca. Qua 2 chặng cáp treo liên tiếp, cả đoàn tiếp tục hành trình bằng những bước chân trên con đường gỗ dẫn lên đỉnh cao 4.500 m của núi tuyết.
Ở độ cao ấy, chúng tôi đã đứng giữa ngút ngàn tuyết trắng để ngắm nhìn toàn cảnh Shangri-La. Những ngọn núi tuyết sừng sững tạo nên một thung lũng tuyệt đẹp và Shangri-La chính là trung tâm của thung lũng ấy. Chưa ai trong chúng tôi từng được lên tới một độ cao lớn đến thế trong đời (cao hơn đỉnh Fanxipan của Việt Nam tới 1.357 m). Đó là một trải nghiệm thú vị nằm ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi trước khi lên đường.
Điểm đến cuối cùng của chúng tôi tại Shangri-La là khu công viên quốc gia Potatso, nơi có 2 hồ nước tuyệt đẹp mang tên Thuộc Đô (Shudu) và Bích Tháp (Bita). Giống như công viên quốc gia Cửu Trại Câu ở phía Bắc của tỉnh Tứ Xuyên, công viên quốc gia Potatso có cảnh đẹp như một chốn thiên đường hạ giới với rừng cây dày đặc bao quanh những hồ nước lớn có màu xanh ma mị. Chúng tôi cùng nhau đi trên những con đường gỗ trong công viên mà như lạc vào một chốn thần tiên tưởng như chỉ có trong một giấc mơ vậy.
Shangri-La với tu viện Songzalin, núi tuyết Thạch Ca và những hồ nước tuyệt đẹp của công viên quốc gia Potatso chính là những dấu ấn không thể nào quên đối với chúng tôi trong đoạn cuối của cuộc hành trình tới phía Tây Nam của Trung Hoa đại lục.
WB đại hiệp hóa ra là người lọ mọ nhất trong đoàn. Bỏ mặc các chiến hữu đi đường chính, anh len
Chùa Quy SơnNằm ở phía Nam của khu phố cổ Shangri-La, chùa Quy Sơn tọa lạc trên một quả đồi nhỏ bên
Đăng ký email để nhận bài viết mới nhất.
Cảm ơn bạn đã đăng ký!
Có lỗi rồi, bạn kiểm tra lại nhé